Thị trường Trung Quốc khó tính ngang Mỹ, đừng ‘ép’ số lượng mà quên chất lượng
Quan niệm thị trường dễ tính là sai lầm
Tại Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc”, sáng 10/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngày 8/1, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông thuỷ sản Việt Nam và Trung Quốc.
“Hiện tại Lào Cai, một ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy, lưu lượng xe bắt đầu có tăng lên, xuất khẩu sôi động trở lại”, ông Nam nói.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2022 xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 14 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường rộng lớn. Nếu xét tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng khoảng 5%.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc (Ảnh: Thạch Thảo)
Ông Nam nhận định, thời gian tới, thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc qua ngả Vân Nam sẽ khởi sắc. Còn với mặt hàng rau quả đang có rất nhiều lợi thế để xuất khẩu vào thị trường này. Bộ NN-PTNT đã cấp hơn 2.000 mã số cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc. Bộ cũng đàm phán với đối tác Trung Quốc về việc xuất khẩu chính ngạch bưởi, bơ, na, roi, thảo quả, dứa.
Nhận định Trung Quốc là thị trường lớn và tiềm năng, nhưng TS. Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, chỉ rõ, cho rằng “thị trường Trung Quốc dễ tính” là quan điểm sai lầm của nhiều người.
Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại Trung Quốc, bà My khẳng định thị trường Trung Quốc khó tính ngang với Mỹ và Nhật Bản. Bởi vậy, bà lưu ý các doanh nghiệp trong nước về việc “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.
“Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả số lượng múi không đủ, vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại, ảnh hưởng xấu tới uy tín ngành hàng”, bà My nói.Về nước lần này, bà mang theo nhiều đơn hàng, trong đó tổng đơn hàng sầu riêng lên 150.000 tấn.
Trái sầu Malaysia 1.000 USD, tiếc cho hàng Việt chưa có thương hiệu
Chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng tại thị trường Trung Quốc, bà My cảm thấy “rất đáng tiếc” khi nông dân và doanh nghiệp Việt chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp mới chỉ bán tại kho bãi cho phía Trung Quốc.
Cùng với đó, bà cũng đề cập tới vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Bà cho rằng, chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu hại “rất đau đầu”.
Các chuyên gia cho rằng cần làm thương hiệu cho trái cây Việt để nâng cao giá trị sản phẩm (Ảnh: Tâm An)
Lấy ví dụ, trái sầu riêng không có thương hiệu chỉ bán được 200.000 đồng/kg, còn Malaysia họ có thương hiệu sầu riêng gai đen bán tới 1.000 USD/trái. Theo bà My, Việt Nam nên đăng ký thương hiệu cho trái sầu riêng, bởi thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần.
Bà cũng kiến nghị các doanh nghiệp xuất hàng sang Trung Quốc có thể đưa hàng đi bằng đường biển vì loại hình vận tải này rất có ưu thế, mang tính ổn định cao. Các doanh nghiệp cũng cần quảng bá sản phẩm nông sản nhiều hơn nữa tại thị trường Trung Quốc.
Chẳng hạn, Sơn Đông là tỉnh có diện tích chỉ bằng nửa Việt Nam, nhưng dân số 107 triệu người và GDP đứng thứ ba toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng khu vực này chỉ biết tới sầu riêng Thái Lan, chuối Philippines, bà cho hay.
Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, thừa nhận, để xuất khẩu sản phẩm rau quả một cách thuận lợi, việc xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng Trung Quốc là rất quan trọng. “Thời gian qua, chúng tôi vẫn tích cực tham gia các Hội chợ tại nước bạn. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt”, ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nêu quan điểm về tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh, mở rộng những thị trường mới. Tuy nhiên, trước khi làm được điều đó, cần phải đảm bảo việc giữ được những thị trường truyền thống lâu nay; trong đó, có thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, cần tiếp cận theo vùng vì ở mỗi địa phương đều có những đặc trưng riêng, xu hướng tiêu dùng riêng. Do đó, không nên theo xu hướng thị trường chung, làm sản phẩm xuất khẩu kiểu “đồng phục”.
“Chúng ta cũng phải chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Chú trọng xuất khẩu hàng hoá qua hình thức thương mại điện tử, bởi đây là xu thế cần nắm bắt”, ông kiến nghị.
Tags: trung quốc thị trường trung quốc xuất khẩu nông sản xuất khẩu sầu riêng