Sống đẹp: Thêm góc nhìn đa chiều về giáo dục kỹ năng sống
Ngày 22/8, Báo Thanh Niên phối hợp cùng Trung tâm Kỹ năng sống NQH SKILL tổ chức tọa đàm với chủ đề “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái”.
Được biết, tọa đàm này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của cuộc thi Sống đẹp lần thứ 4 với chủ đề San sẻ yêu thương.
Đông đảo khách mời, thanh niên, học sinh tham dự tọa đàm. Ảnh: ĐH
Tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái” góp thêm góc nhìn đa chiều về vấn đề giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là xây dựng lòng nhân ái, biết sẻ chia “thương người như thể thương thân” trong thanh thiếu niên và cộng đồng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng, truyền thống tốt đẹp "sống là để cho đi" là mạch ngầm chảy trong tâm khảm bao thế hệ những người con đất Việt. Ảnh: TN
Khai mạc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đại diện Ban tổ chức cho rằng: “Đạo lý tương thân nhân ái, sống nghĩa tình đã có từ bao đời, trở thành một truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta, luôn được các thế hệ kế thừa và phát huy. Sự kiện hướng đến câu chuyện thời sự hơn về giáo dục kỹ năng sống tại Việt Nam cho các bạn trẻ. Tọa đàm nhằm trao đổi, bàn luận về thực trạng giáo dục kỹ năng sống hiện nay tại Việt Nam, từ đó đi tìm các xu hướng và chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp cho thế hệ Gen Z.
Ngoài ra, giúp các bạn trẻ học cách yêu thương và vun bồi lòng nhân ái, phát triển nhân cách tốt hơn, bởi đôi khi do nhịp sống quá tất bật, hối hả mà đâu đó vẫn còn một số bạn trẻ còn thờ ơ, vô cảm với người khác”.
Đại diện hệ thống giáo dục NQH tặng quà cho các khách mời. Ảnh: TN
"Sống đẹp không phải sống cho riêng mình mà là dùng tài năng, công đức tận hiến giúp cho xã hội", bà Chế Ngọc Bảo Trân - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục NQH, đơn vị đồng tổ chức tọa đàm chia sẻ thêm.
Bà Chế Ngọc Bảo Trân cho rằng, những kỹ năng của các con hiện nay mà phụ huynh quan tâm nhiều nhất là: kỹ năng an toàn, đối phó và thoát hiểm như: phòng chống đuối nước, phòng chống bắt cóc xâm hại, giúp các con luôn cần phòng ngừa, cảnh giác...; kỹ năng giao tiếp, vì thực tế xã hội có nhiều thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến cách giao tiếp của trẻ; kỹ năng quản trị cảm xúc nhằm giúp cho các em né tránh những cảm xúc tiêu cực, xây dựng cho các em những cảm xúc tích cực về tình yêu thương, về lòng biết ơn và biết chia sẻ, cảm thông.
Đặc biệt, Tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái” còn có cuộc gặp gỡ với 3 “người hùng” giữa đời thường.
Đó là anh Mai Lê Duy Quang (sinh năm 1980, ngụ tại Quảng Ngãi) và hai tài xế Phan Văn Tài, Trương Văn Thành - nhân viên lái xe Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Bình Dương. Họ là những người đã tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn tại dốc cầu Phú Mỹ vừa qua.
Câu chuyện giải cứu người trong gang tấc, giữa tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc được tái hiện chân thực thông qua lời kể của người trong cuộc. Các anh cũng mang đến nhiều chia sẻ xúc động về nghĩa cử tương thân tương ái, giúp đỡ người hoạn nạn của cá nhân mình.
Đại diện ban tổ chức cùng các nhà tài trợ trao tặng những phần quà cho những "người hùng". Ảnh: TN
Tại sự kiện, nhà văn Trần Nhã Thụy và bà Nguyễn Thị Vân - đồng Phó Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Ngãi tại TP.HCM thay mặt hội đồng hương trao tặng 1 suất học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên 50 triệu đồng cho con gái anh Mai Lê Duy Quang nhằm động viên, hỗ trợ em trong quá trình học tập. Hai tài xế Phan Văn Tài, Trương Văn Thành cũng nhận được các suất quà động viên, mỗi suất 5 triệu đồng từ Hội đồng hương tỉnh Quảng Ngãi tại TP.HCM và Hội doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi tại TP.HCM.
Được biết, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 4 do Báo Thanh Niên tổ chức đến ngày 20/8/2024 đã nhận được 250 bài dự thi của các tác giả trên cả nước. Hiện cuộc thi vẫn tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 30/9/2024.
Các tác giả có thể tiếp tục gửi bài dự thi theo nhiều thể loại như ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, ảnh… Tổng giá trị giải thưởng lên đến 400 triệu đồng.
Đông Hường
Tags: sống đẹp báo Thanh niên cuộc thi sống đẹp kỹ năng sống