Chuyện hai con đèo
Từ Bình Định lên Gia Lai có 2 con đèo rất hùng vĩ, ấy là đèo An Khê và đèo Mang Yang. An Khê thì đỉnh đèo là “biên giới” của tỉnh Bình Định và Gia Lai, từng được gọi là đèo Mang, còn Mang Yang, tiếng Bahnar nghĩa là “cổng trời”, Mang là cổng, Yang là trời. Cả hai con đèo gắn rất nhiều với địa phương về địa lý, lịch sử, văn hóa vân vân.
Thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai nằm giữa 2 con đèo trên con đường huyết mạch nối Quy Nhơn với Pleiku là đường 19. Có đi trên con đường ấy mới thấy những người phát hiện ra nó là tài. Đương đồng bằng, nhìn lên thăm thẳm và hun hút, thấy chập chờn mây trắng và trùng điệp núi rừng. Thế mà rồi xẻ một phát, một con đường ngoằn nghoèo cứ đâm vào núi rồi lại mở ra, hơn 100 cây số lên tới Pleiku.
Người ta đồn rằng trên con đường ấy, những người Chăm đã dò dẫm những bước ban đầu, họ mở ra con đường Chăm từ thành Đồ Bàn (Bình Định) sang tận miền Ăng Ko. Sau này đến quan quân nhà Tây Sơn với anh cả Nguyễn Nhạc, kéo quân từ Tây Sơn lên An Khê lập "chiến khu", luyện quân và khởi nghĩa và sinh ra vị anh hùng mà người ta hay gọi là áo vải, nhưng có tài liệu nói là, họ không phải dân áo vải, là Nguyễn Huệ, tức vua Quang Trung oai hùng. Hai cái đèo ấy là đèo An Khê và Mang Yang, trong đó Mang Yang có nghĩa là "cổng trời" đủ biết nó hiểm trở thế nào?
Gần đây, để phục vụ giao thông, người ta tổ chức mở rộng hai con đèo.
Đèo Mang Yang đã xong, đèo An Khê làm khá lâu, ì ạch mãi chưa xong. Bên thi công làm cầm chừng kiểu như... xí phần. Mới nhất, một chiếc xe tải bị lún ở đoạn đường đang làm, đổ ngang đường, khiến toàn bộ giao thông qua đây bị tê liệt gần 12 tiếng đồng hồ. Ai có công việc gấp phải quay đầu đi về quốc lộ 25 xuống Phú Yên rồi mới ra Bình Định, dài thêm gần 300 cây số trong khi từ đèo An Khê xuống Quy Nhơn còn chưa đầy 100 cây. Còn hiện tại, không bị tai nạn, sự cố như vừa rồi thì mỗi lần lái xe qua đây là một cực hình, ruột đau như cắt vì... thương xe.
Hồi thi công đèo Mang Yang, có ý kiến là nên giữ nguyên đèo cũ làm một chiều lên, mở thêm một con đường nữa làm chiều xuống, vừa rất an toàn cho xe lưu thông, và, giữ được con đèo với đúng ý nghĩa “cổng trời” rất đẹp. Nhưng người ta đã không làm thế, mà mở rộng ra, bạt núi lấp vực, con đèo trở thành cái... dốc, và quan trọng nữa là, chỉ hai làn xe, rất nguy hiểm (lại nhớ vụ tai nạn thảm khốc khiến 3 người chết ở “cao tốc hai làn xe” La Sơn - Cam Lộ vừa xảy ra), giải quyết bài toán an toàn giao thông không được bao nhiêu dù xuống đèo đã hạn chế tốc độ xuống 50km/h, rất nhiều xe dính tốc độ nếu không đi quen, bởi trước đó là đoạn đường thu phí BOT, xe được chạy 80km/h. Và bao giờ dưới chân đèo cũng có một tổ CSGT đón.
Giờ đến đèo An Khê, đang ì ạch thi công và nguy cơ biến dạng con đèo như Mang Yang là rất cao.
Một bạn hiểu biết và có trách nhiệm nhắn cho tôi: “Ngày xưa đứng ở đỉnh đèo An Khê, hoặc xuống nghẹo cây Khế, nhìn về sông Côn thấy được độ hùng vĩ; giải thích được vị trí địa chính trị - lý do Nhà Tây Sơn chọn làm căn cứ trong buổi đầu tụ binh khởi nghĩa. Đèo núi có vẻ đẹp hùng vĩ của đèo núi; bạt hết thành cái dốc, Còn đâu Đèo Mang, Cổng trời, mà thành dốc Mang.
Nhưng nguy hiểm là núi mất kết cấu sẽ dễ sạt lở khi mưa ngấm.
Đứng đỉnh đèo quan sát về đồng bằng nên đánh cũng dễ mà lùi về ẩn trong rừng sâu núi cao càng dễ. Điều ấy giải thích vì sao sư đoàn kỵ binh tinh nhuệ của Mỹ ngày trước cũng đóng tại An Khê. Rồi giờ Sư đoàn 2 sư tinh nhuệ của QK5 cũng án ngữ tại đây”...
Đúng là ngày xưa, cái thời xe cổ lỗ chạy than hoặc xăng dầu nhưng vừa đi vừa sửa ấy, xuống đèo thì lơ xe chạy bộ cầm theo cục gỗ 3 cạnh gọi là cục căn để lỡ xe... mất thắng (chuyện xảy ra rất nhiều thời ấy), thì chèn vào, chứ giờ xe xịn, mấy khi mà tai nạn kiểu ấy. Và giờ, như ở đường Hồ Chí Minh ấy, người ta làm hệ thống hộ lan xoay bảo vệ rất tốt nếu lỡ xe lao vào, chưa kể còn các đường lánh nạn, xe mất thắng sẽ lao vào đấy, hết sức an toàn.
Một đoạn ghi chép từ lâu của tôi: “Nếu ai đã từng đi đường 19 từ Quy Nhơn lên Gia Lai rồi tỏa ra lên Kon Tum, sang Đăk Lắk đều biết, muốn lên đến An Khê phải vượt con đèo nổi tiếng là đèo Mang, tức là cửa, giờ gọi là đèo An Khê. Muốn đến Pleiku, phải qua tiếp con đèo thứ 2 là đèo Mang Yang, tức là cổng trời. An Khê nằm giữa 2 con đèo nổi tiếng hiểm trở ấy.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đánh dấu sự xuất hiện của người Kinh ở vùng đất của người Bahnar. Họ lầm lũi xuyên rừng, xuyên đèo, lên An Khê, lập căn cứ, mà giờ các nhà lịch sử gọi là Tây Sơn thượng đạo, tương ứng với nơi phát tích nhà Tây Sơn, hay chính xác là nơi xuất hiện gia đình 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, gọi là Tây Sơn hạ đạo, ở huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định.
Như nhiều nhà chính trị thông tuệ và “dân vận” rất giỏi khác, ông Nguyễn Nhạc đã lấy một bà vợ người Bahnar làm nàng hầu (vợ bé) tên là Đố. Yă là bà chứ không phải danh từ riêng, lâu nay người ta hay gọi bà Yă Đố là sai. Đây là người đàn bà đã giúp anh em nhà Tây Sơn rất nhiều trong việc quy tụ hào kiệt trong vùng, tích trữ lương thực thực phẩm, và nghe nói cả luyện voi. Nghe nói bởi chỉ là truyền thuyết chứ vẫn không có nguồn chính thức, và bản thân người viết bài này, đến giờ vẫn chỉ biết rằng, người Tây Nguyên không dành cho phụ nữ việc luyện voi.
Nhưng té ra trước khi người Kinh tới đây thì người Chăm đã tới đất này. Và trước đấy nữa, chừng 80 vạn năm có hơn về trước, con người tối cổ đã xuất hiện ở đây. Không những chỉ tồn tại, các nhà khảo cổ còn phát hiện công xưởng chế tác rìu đá, khiến nó trở thành một trong những di chỉ cổ nhất Việt Nam. Như thế đất này đã có một con đường đi qua, cả trú chân nữa, mà cha ông chúng ta đã sử dụng, để kiếm sống, để giao thương, để khởi nghĩa, để tôn tạo đất nước…”.
Đoạn cuối ghi chép, là tôi nhắc cái sự kiện các nhà khảo cổ Nga phối hợp với Việt Nam đã phát hiện và khai quật cái di chỉ Rộc Tưng ở đầu đèo An Khê, phát hiện, gần một triệu năm trước, chính xác là 80 vạn năm, nơi đây đã xuất hiện loài người tối cổ. Và nó khiến cho bản đồ xuất hiện loài người phải có sự thay đổi.
Như thế, hai con đèo, An Khê và Mang Yang ấy, nó không chỉ là con đường có dốc quanh co qua hai cái đèo như cái “trạm nghỉ” của dãy Trường Sơn, mà nó còn gắn với lịch sử, với văn hóa, không chỉ vùng đất này, mà rộng hơn thế. Bởi vậy, mọi tác động đến nó, làm đổi thay nó, dẫu với mục đích tốt, vẫn cần cân nhắc.
Mà, ký ức một vùng đất nó luôn thấm đẫm cảm xúc lịch sử, văn hóa, tâm hồn, dư ba và nhiều thế hệ con người từng liên quan... chứ không chỉ là những con dốc trơn lỳ cảm xúc bị cải tạo từ những con đèo đầy âm vang quá khứ, và không chỉ quá khứ...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Tags: Chuyện hai con đèo