27/06/2023 10:15

Chính quyền Moscow dập tắt nguy cơ nội chiến nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn

Chính phủ Nga đã tận mắt chứng kiến nguy cơ nổi dậy vũ trang có thể nổ ra trong cuối tuần vừa rồi, khi các binh lính của tổ chức quân sự tư nhân Wagner hành quân về Moscow. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam đoan sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt thích đáng nhưng một thỏa thuận bất ngờ được ký kết và nhanh chóng dập tắt cuộc khủng hoảng.

 

Nguy cơ đổ máu trước mắt có vẻ đã bị xóa bỏ, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn, khi nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo khả năng một cuộc bạo động xảy ra mặc dù hiếm hoi vẫn có thể để lại nhiều hệ lụy.

 

Tổng thống Putin cần phải đối phó với hậu quả từ hành vi thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền lực của ông kể từ khi ông nhậm chức 20 năm trước, sau khi những hành vi này khiến ông rơi vào thế bất lợi trong suốt hơn một ngày rưỡi.

 

Số phận của Yevgeny Prigozhin - Giám đốc của tổ chức Wagner và người dẫn đầu cuộc hành quân và chiếm đóng các thành phố trên đường về Moscow - hiện vẫn còn lại nhiều nghi vấn. Nhà tài phiệt người Nga thường mạnh miệng này đã giữ kín các chi tiết về thỏa thuận mà chính quyền Minsk đã đứng ra trung gian, với nội dung sẽ đưa ông về Belarus và lực lượng Wagner sẽ được sáp nhập vào quân đội Nga.

 

Các quan chức của điện Kremlin và Chính phủ Belarus đều không rõ tung tích của ông này vào ngày Chủ Nhật.

 

Tình hình mới nhất

Theo thỏa thuận được mô tả bởi điện Kremlin và Chính phủ Belarus, ông Prigozhin đã đồng ý rời khỏi Nga về Belarus. Tuy nhiên, hiện tại tung tích của ông này vẫn chưa rõ.

Chính quyền Moscow dập tắt nguy cơ nội chiến nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn

Binh lính Wagner rời khỏi trụ sở quân sự chiếm đóng tạm thời tại Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6. Ảnh: Alexander Ermochenko/Reuters

 

Theo CNN, vào ngày Chủ Nhật, một số quan chức Belarus đã cho biết họ không nắm rõ chi tiết về vai trò của ông Prigozhin tại Belarus và cũng không thể xác minh về việc ông đã tới nước này.

 

Bộ phận báo chí thuộc công ty chủ quản Concord của ông Prigozhin từ chối đưa ra thông tin cập nhật, chỉ cho biết ông “gửi lời chào tới mọi người và sẽ trả lời các câu hỏi khi ông có các phương pháp giao tiếp phù hợp”.

 

Một phát ngôn viên của điện Kremlin cho biết vụ án hình sự đối với ông Prigozhin và cuộc nổi dậy gần đây sẽ được bãi bỏ.

 

Các binh lính của tổ chức Wagner sẽ ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, một yêu cầu mà ông Prigozhin đã từng từ chối với quan điểm chỉ là một nước đi nhằm kiểm soát lực lượng bán quân sự của ông.

 

Các video được xác minh và định vị bởi CNN vào thứ Bảy vừa rồi cho thấy ông Prigozhin và các lực lượng của ông đã rút quân khỏi thành phố Rostov-on-Don phía Nam nước Nga.

 

Nguồn cơn cuộc nổi dậy

Cuộc khủng hoảng tại Nga nổ ra vào ngày thứ Sáu vừa rồi sau khi ông Prigozhin tố cáo quân đội Nga đã tấn công một doanh trại của Wagner và sát hại một số binh lính của họ, và đã khẳng định sẽ trả đũa bằng vũ lực.

 

Ông Prigozhin sau đó đã đưa quân tới Rostov-on-Don và khẳng định đã chiếm quyền kiểm soát các cơ sở quân sự trong vùng Voronezh, nơi một số vụ cọ xát giữa Wagner và quân đội Nga được báo cáo đã xảy ra.

 

Ông Prigozhin khẳng định đây không phải là một cuộc đảo chính mà là một “cuộc hành quân vì chính nghĩa”. Khẳng định này không xoa dịu được chính quyền Moscow, và theo kênh truyền thông quốc gia Nga, một quan chức an ninh cấp cao đã đánh giá hành động của ông Prigozhin là “một cuộc đảo chính được dự định từ trước”.

 

Chính quyền Moscow dập tắt nguy cơ nội chiến nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn

Tổng thống Vladimir Putin có mặt trên truyền hình quốc gia sau cuộc nổi dậy của lãnh đạo tổ chức Wagner nổ ra vào ngày 24/6. Ảnh: Pavel Bednyakov/Sputnik qua AP

 

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ các khẳng định họ đã tấn công binh lính Wagner, và bộ phận an ninh nội bộ của Nga đã tổ chức một cuộc điều tra hình sự đối với Prigozhin.

 

Theo sau đó là một bài phát biểu trước quốc gia của ông Putin.

 

Trong bài phát biểu được phát sóng trước toàn nước Nga vào sáng thứ Bảy theo giờ địa phương, tổng thống Putin thể hiện rõ sự giận dữ và cam đoan sẽ trừng phạt những cá nhân “đang trên con đường phản quốc”.

 

Theo ông, “hành động phản quốc” của Wagner là “một cú đâm sau lưng quốc gia và toàn dân tộc”, so sánh hành vi của tổ chức này với cuộc Cách mạng Nga năm 1917 lật đổ Sa Hoàng Nicholas đệ Nhị giữa Thế Chiến thứ Nhất.

 

Tình hình tại địa phương rất căng thẳng, các công dân vùng Voronezh được khuyên nên ở trong nhà. Cùng lúc, chính quyền Moscow nâng cao các biện pháp an ninh trên khắp thành phố thủ đô, tuyên bố ngày thứ Hai là ngày không làm việc. Một số hình ảnh cho thấy lực lượng quân sự Nga trang bị áo chống đạn và vũ khí tự động gần một đường cao tốc ven thành phố Moscow.

 

Các dấu hiệu đều hướng tới khả năng một cuộc đối đầu vũ trang nổ ra tại thủ đô Moscow trong tình hình các tin đồn và bất ổn ngày càng gia tăng.

 

Bất ngờ không lâu sau đó, cuộc đảo chính ngắn ngủi này đã bị dập tắt, sau khi thỏa thuận Belarus được ký kết.

Tương lai cho Prigozhin và Wagner

Vẫn còn một số câu hỏi chưa có câu trả lời, như vai trò của ông Prigozhin trong tổ chức Wagner và cuộc chiến với Ukraine, cũng như câu hỏi liệu các binh lính của ông có thể sẽ được ký hợp đồng với quân đội Nga hay không.

 

Một phát ngôn viên của điện Kremlin trong thứ Bảy vừa rồi đã cho biết ông “không thể trả lời” về vai trò của ông Prigozhin trong chính phủ Belarus. Chính ông Prigozhin cũng đã không đưa ra nhiều thông tin về thỏa thuận ngừng tiến quân về Moscow của ông.

 

Theo như cựu Thiếu tá Lục quân Mỹ Mike Lyons cho biết vào thứ Bảy vừa rồi, tổ chức Wagner là “một tổ chức quân sự độc lập” với một số đặc tính khác biệt so với quân đội Nga. Ví dụ, binh lính Wagner có chế độ ăn uống đầy đủ hơn so với quân đội Nga. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ rất khó có thể sáp nhập hoàn toàn binh lính Wagner vào quân đội Nga.

 

Ông cho biết thêm: “Rất có thể một số binh lính sẽ tách ra khỏi tổ chức. Những người này mang lòng trung thành với ông Prigozhin, không phải với quốc gia hay nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Tôi nghĩ chúng ta vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời”.

 

Các chuyên gia tin rằng lãnh đạo của tổ chức Wagner vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm.

 

Bà Jill Dougherty, cựu Trưởng văn phòng về Nga của CNN và chuyên gia lâu năm về các vấn đề của Nga cho biết: “Ông Putin không tha thứ cho những kẻ phản bội. Ngay cả khi ông Putin nói "Prigozhin, ông sẽ về Belarus", ông ta vẫn là kẻ phản bội và tôi nghĩ ông Putin sẽ không bao giờ tha thứ điều đó”.

 

Bà cũng cho biết thêm, rất có thể Prigozhin sẽ “bị ám sát tại Belarus”, nhưng đây là tình thế khó xử cho chính quyền Moscow, vì chừng nào ông Prigozhin “vẫn còn được hậu thuẫn, ông ta vẫn sẽ là một mối đe dọa, bất kể ông ta ở đâu”.

Ông Putin sẽ phải làm gì?

Tổng thống Putin giờ đây sẽ phải đối mặt với một số vấn đề.

 

Thông tin từ CNN, một số chuyên gia cho rằng mặc dù tổng thống Nga đã vượt qua được cuộc đối đầu, ông cũng đã thể hiện sự yếu thế của mình - không chỉ đối với toàn thế giới và kẻ thù của ông, mà còn cả với quân đội và nhân dân trong nước. Điều này có thể mang lại rủi ro lớn từ các phe hoài nghi hoặc thù địch trong chính quyền Moscow coi đây là cơ hội hủy hoại vai trò của ông Putin.

 

Bà Dougherty bình luận: “Nếu tôi là ông Putin, tôi sẽ lo lắng về những người trên đường phố Rostov tung hô binh lính Wagner khi họ đi qua thành phố này”.

 

Chính quyền Moscow dập tắt nguy cơ nội chiến nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn

Lãnh đạo tổ chức Wagner ông Prigozhin trong ghế sau của một xe rời khỏi Rostov-on-Don, Nga vào ngày 24/6. Ảnh: Alexander Ermochenko/Reuters

Một video được xác minh và định vị bởi CNN cho thấy đám đông tung hô khi xe của ông Prigozhin rời khỏi Rostov-on-Don. Xe này đã dừng lại khi một người lại gần và bắt tay ông Prigozhin.

Bà Dougherty cho biết: “Vì sao những người dân Nga trên đường phố lại tung hô những người vừa tổ chức một cuộc đảo chính? Điều này có thể có nghĩa là những công dân đó ủng hộ họ hoặc đánh giá cao họ. Bất kể có ý nghĩa gì, điều này cũng là tin tồi tệ cho ông Putin”.

Nguyên nhân cuộc đảo chính

Ông Prigozhin đã quen biết Tổng thống Putin từ những năm 1990, với biệt hiệu “đầu bếp của Putin” sau khi nhận được một hợp đồng dịch vụ ăn uống tại điện Kremlin. Tuy nhiên, phong trào ly khai tại Ukraine mà Nga hậu thuẫn vào năm 2014 đã đặt ra tiền đề biến ông Prigozhin thành một nhà quân phiệt.

Ông Prigozhin thành lập tổ chức Wagner làm một bộ phận quân sự tư nhân chiến đấu tại miền Đông Ukraine và ngày càng nhiều các cuộc xung đột trên thế giới vì lợi ích của Nga.

Tổ chức này trở thành tiêu điểm trong cuộc chiến với Ukraine, sau khi binh lính tổ chức này đạt được những thành công mà quân đội Nga không giành được. Tuy nhiên, những chiến lược tàn bạo của tổ chức này được cho là đã để lại con số thương vong nặng nề.

Khi cuộc chiến kéo dài, ông Prigozhin và tầng lớp lãnh đạo quân sự của Nga đã ra mặt cọ xát công khai, trong đó lãnh đạo tổ chức Wagner đã chỉ trích quân đội Nga đã không cung cấp đủ đạn dược, và chê bai việc thiếu thành công trên chiến trường của các đơn vị quân đội chính quy.

Ông đã liên tục phê bình cách quân đội Nga đối phó với cuộc xung đột, đồng thời đánh giá bản thân là tàn nhẫn và hiệu quả khi so sánh với họ.

Ông Prigozhin luôn cẩn thận hướng sự chỉ trích tới tầng lớp lãnh đạo quân đội Nga, không phải ông Putin, và đã bảo vệ các lý lẽ đằng sau cuộc chiến tại Ukraine.

Những điều này thay đổi trong cuộc đảo chính vào thứ Sáu vừa rồi.

Trong một tuyên bố, ông đã cho biết chính quyền Moscow đã xâm lược Ukraine dưới những lý lẽ giả tạo được dựng lên bởi Bộ Quốc phòng Nga, và Nga thực chất đang thua trận trên chiến trường.

Steve Hall- Cựu Trưởng bộ phận các hoạt động về Nga của CIA đã cho biết ngay cả những người quan sát lâu năm về nội bộ Nga cũng đã phải kinh ngạc trước những sự kiện gần đây.

Ông cho biết: “Mọi người đều đang gãi đầu. Cách duy nhất mà tôi có thể giải thích được về sự kiện này là có hai phe nhận ra rằng họ đang ở trong tình thế không chắc chắn, và họ cần phải tìm cách thoát ra khỏi tình thế đó”.

Ông Hall cho biết ông Prigozhin có thể đã nhận ra ông đã bắt đầu một nước đi nằm ngoài khả năng của mình khi binh lính Wagner hành quân về Moscow. Đồng thời cùng lúc đó, ông Putin cũng đã phải đối mặt với nguy cơ phải hạ gục khoảng 25 ngàn binh lính Wagner.

Quyết định đưa ông Prigozhin tới Belarus là quyết định giữ mặt cho cả hai phía.

Tuy nhiên ông Hall cũng tin rằng ông Putin đã bước ra khỏi sự kiện này với vị thế suy yếu hơn.

“Ông Putin đáng lẽ đã phải nhận ra sự kiện này có thể xảy ra từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên chúng ta sẽ xem tình tiết tiếp theo là gì, tôi không nghĩ rằng vụ việc này đã hoàn toàn kết thúc”.

Nguyễn Quang Minh (theo CNN) 

Tags: Moscow nội chiến Tổng thống Nga Vladimir Putin Wagner