Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn là Phó Trưởng ban thường trực. Các đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Nguyễn Thị Liên Hương và Lê Đức Luận là Phó Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Y tế có 22 đồng chí ủy viên, trong đó ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế là Uỷ viên thường trực.
Chức năng của Ban Chỉ đạo theo quyết định của Bộ Y tế là nghiên cứu đề xuất tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện các các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành y tế, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; xây dựng, phát triển nền y tế thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành y tế.
Nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế; cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án quan trọng liên quan đến chuyển đổi số trong ngành y tế thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Giúp Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chuyển đổi số y tế; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, y tế thông minh và chuyển đổi số trong ngành y tế;
Đồng thời, giúp Bộ trưởng điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch, dự án, giải pháp quan trọng về chuyển đổi số trong ngành y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan là Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành y tế (Ảnh: Trần Minh).
Về vấn đề thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 157 của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu ngành y tế đặt ra là: 100% hệ thống thông tin y tế được đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo hồ sơ cấp độ an toàn thông tin được phê duyệt và trước khi đưa vào sử dụng, khai thác.
100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế.
100% các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc được cấp chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam được quản lý theo mã định danh duy nhất thống nhất với định danh hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ứng dụng thành công các công nghệ số: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain),… trong các hoạt động y tế.
Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số, trong đó: 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số.
Mỗi bệnh viện có ít nhất 1 cán bộ công nghệ thông tin được đào tạo chuyên sâu và có chứng chỉ về an toàn thông tin; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên triển khai khám bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy;
Tỉ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% trên tổng số thanh toán viện phí.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị, đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 157 trước 1/7/2023, bảo đảm thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng năm 2030 về chuyển đổi số y tế.
Tags: y tế bộ y tế đào hồng lan ngành y tế chuyển đổi số