04/06/2022 06:52

Uy lực phi đội UAV sát thủ chiến trường Mỹ tính bán cho Ukraine

 

Uy lực phi đội UAV sát thủ chiến trường Mỹ tính bán cho Ukraine

Một chiếc MQ-1C được trang bị tên lửa Hellfire (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho đang tính toán việc bán cho Ukraine một trong những UAV tốt nhất của lục quân nước này, chiếc MQ-1C.

Thương vụ trên sẽ cần sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ. Theo Forbes, khi thương vụ trở thành hiện thực, nó sẽ giúp Ukraine gia tăng sức mạnh trong chiến dịch quân sự với Nga vốn đã kéo dài 100 ngày qua.

MQ-1C nặng 2 tấn, dùng động cơ chạy bằng cánh quạt và có sải cánh dài 17m. Mỹ đang tính cung cấp cho Ukraine phi đội 4 UAV MQ-1C, hứa hẹn nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong chiến dịch quân sự.

Với 4 UAV, Ukraine có thể tạo ra một hệ thống để thực hiện nhiệm vụ tác chiến tầm xa. Nhờ có UAV bay luân phiên, chúng có thể đảm bảo di chuyển liên tục trên không 24/24, truyền tín hiệu tình báo quan trọng về trạm kiểm soát. UAV có thể phát sóng video ghi lại chiến trường phía dưới, cung cấp thông tin hữu ích cho lực lượng mặt đất.

Điểm mạnh của "sát thủ chiến trường" MQ-1C chính là tên lửa "hỏa ngục" - vũ khí chính của chiếc UAV uy lực. Mỗi UAV có thể mang 8 tên lửa loại này.

Với khối lượng khoảng 50kg, đầu đạn hình trụ nặng 18 cân, "hỏa ngục" (Hellfire) là tên lửa đất đối đất hoặc không đối đất, có khả năng xuyên thủng các loại giáp. Hellfire có thể được sử dụng các cuộc tấn công đa nhiệm vụ hoặc đa mục tiêu. Với khả năng dẫn đường chính xác, tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ngay cả khi nó không nằm trong tầm ngắm của khí tài. Đây là một đặc tính giúp các khí tài trang bị tên lửa Hellfire an toàn hơn khi tác chiến.

Tên lửa Hellfire có cơ chế dẫn đường bằng laser. Tia laser có thể được chiếu vào mục tiêu từ chiếc máy bay khai hỏa, một chiếc máy bay hỗ trợ khác hay từ thiết bị quan sát trên mặt đất. Chính bởi khả năng nhận tín hiệu dẫn đường từ nhiều nguồn như vậy nên chiếc máy bay khai hỏa có thể nhắm bắn chính xác mà không cần nhìn thấy mục tiêu, đảm bảo sự an toàn sau khi phóng tên lửa. Ngoài ra, với bộ định vị đa điểm, một số tên lửa Hellfire có thể được khai hỏa cùng lúc và nhắm đến nhiều mục tiêu khác nhau.

Mặt khác, một đặc quyền mà Ukraine có thể nhận được nếu mua MQ-1C chính là quyền tiếp cận hệ thống vệ tinh của Mỹ.

MQ-1C có thể bay trong nửa ngày hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào vũ khí nó mang theo. Nó có khả năng tác chiến vượt xa tầm nhìn của các quân nhân vận hành. Để điều khiển máy bay không người lái, chuyển dữ liệu video và kích hoạt vũ khí khai hỏa, các quân nhân phải dùng hệ thống vệ tinh viễn thông SATCOM.

Ukraine đã sở hữu cơ sở hạ tầng SATCOM, dường như bao gồm quyền truy cập vào vệ tinh Turksat cho phép các quân nhân có thể điều khiển máy bay không người lái Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Nếu Ukraine mua MQ-1C, có khả năng họ sẽ được Mỹ trao thêm quyền tiếp cận với các vệ tinh SATCOM khác mà Washington đang sử dụng. Điều này có nghĩa là, Ukraine sẽ có khả năng xây dựng một nền tảng tác chiến cho các UAV MQ-1C mà họ có thể mua thêm, hoặc bất cứ UAV nào có thông số tương thích. Theo Forbes, không thiếu những UAV có đặc tính như vậy.

Vì vậy, trong thương vụ này, Ukraine dường như không chỉ mua 4 chiếc UAV MQ-1C của Mỹ mà họ có khả năng xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh và uy lực để vận hành các máy bay người lái khác trong tương lai. Đây có thể được xem là điểm có giá trị hơn cả của thương vụ này nếu nó trở thành hiện thực.

Theo Forbes

Tags: i