10/05/2022 08:28

UBND TP HCM bị chất vấn vì chậm làm đường cửa ngõ Tân Sơn Nhất

"Coi chừng chúng ta lãng phí. Ta xí phần, giành đủ thứ hết mà giờ đã trôi qua ít nhất hai năm rồi chưa được gì hết", Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nói khi đề cập dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà tại buổi giám sát UBND thành phố về tình hình triển khai Nghị quyết 54 - thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, sáng 10/4.

UBND TP HCM bị chất vấn vì chậm làm đường cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà khi hoàn thành góp phần giảm kẹt xe cho khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Đồ hoạ: Thanh Huyền

Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (quận Tân Bình) tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng, là một trong 6 dự án nhóm A đã được HĐND TP HCM thông qua theo Nghị quyết 54 - không phải trình Thủ tướng quyết định như trước. Tuy nhiên, đến nay tất cả đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch, trong đó có ba dự án chưa thực hiện.

Tuyến đường mới dài 4 km, giúp kết nối ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi khai thác là một trong những giải pháp giải quyết ùn tắc cho khu vực sân bay. Cuối năm ngoái, UBND thành phố đã phê duyệt nhưng đến nay dự án chưa khởi động.

Theo bà Lệ, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà lúc thuyết minh "cực kỳ hấp dẫn" nhưng triển khai gặp nhiều vấn đề trong xác định ranh đất để bồi thường, tiếp nhận đất quốc phòng, chuyển mục đích sử dụng đất... nên đến nay vẫn chưa thể triển khai. Vì vậy, UBND thành phố cần sớm tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh dự án này để giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất.

Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị từ nay đến cuối năm, trước khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực, thành phố nhanh chóng đề xuất hai loại phí là thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại kho, bãi đất công để HĐND xem xét, thông qua.

Bà Lệ cũng giao UBND thành phố rà soát lại tiến độ thực hiện việc thu hồi các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha mà HĐND đã thông qua. Nếu dự án không khả thi, cần trình HĐND huỷ bỏ, tránh để "chủ trương trên giấy" làm khổ dân. Chính quyền TP HCM cần làm rõ hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54, từ đó làm cơ sở thực hiện chính sách mới.

UBND TP HCM bị chất vấn vì chậm làm đường cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thu Hằng

Trước đó, Phó giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú cho biết TP HCM đang xây dựng nhiều nội dung mới trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ hết hiệu lực trong năm 2022. Dự kiến, ngoài đề xuất tiếp tục thực hiện các cơ chế đã thí điểm, TP HCM muốn bổ sung cả chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức và sửa đổi Nghị định 93 năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP HCM.

Trong đó, thành phố muốn được phân quyền điều chỉnh các dự án: nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội với dự án nhà ở thương mại trên 500 căn (cả nhà ở riêng lẻ và chung cư); nhà ở hoặc dự án đầu tư nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội, hoặc nhà ở thương mại.

Các nội dung đang thuộc thẩm quyền Thủ tướng hoặc các bộ, ngành Trung ương như phê duyệt điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch chung đô thị thành phố; báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên 200 ha; ban hành hệ số điều chỉnh giá đất... TP HCM cũng muốn tự thực hiện.

Về đầu tư, thành phố đề xuất được lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án trọng điểm quy mô lớn không qua đấu thầu; thí điểm đấu thầu quyền thuê tài sản công, đất công và và thẩm quyền phê duyệt sử dụng tài sản công.

Thu HằngTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Tags: cửa ngõ Tân Sơn Nhất đường nối Trần Quốc Hoàn nghị quyết 54 Tin nóng