Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần: 10 năm chưa đủ nguôi ngoai
"Với những gia đình chưa tìm được thi thể người thân sau thảm họa động đất - sóng thần, 10 năm đã qua và 10 năm sắp tới cũng chẳng khác gì nhau".
Ngày 11-3-2021 đánh dấu 10 năm thảm họa động đất và sóng thần ở vùng Tohoku, Đông Bắc Nhật Bản. Trận động đất cấp độ 9.0 - mạnh nhất từng được ghi nhận tại Nhật, tấn công Tohoku vào lúc 14 giờ 46 phút (giờ địa phương), kéo theo trận sóng thần san phẳng nhiều cộng đồng và cướp đi sinh mạng của 18.000-20.000 người.
"Bà ấy vẫn muốn về nhà"
Với việc nhà cửa, doanh nghiệp, kinh tế và cơ sở hạ tầng sụp đổ trong chớp mắt, người dân Tohoku khi đó đối mặt với thách thức gần như bất khả thi về việc tái xây dựng cuộc sống và cộng đồng. 10 năm trôi qua, nỗ lực khắc phục hậu quả vẫn tiếp diễn song nỗi đau mất mát của người dân có thể không bao giờ nguôi.
Ông Yasuo Takamatsu mất vợ, bà Yuko, khi sóng thần ập đến thị trấn cảng Onagawa, tỉnh Miyagi. Ông bắt đầu hành trình tìm kiếm vợ kể từ đó. Người đàn ông 64 tuổi thậm chí còn lấy bằng lặn với niềm tin mãnh liệt rằng "bà ấy ở đâu đó gần đây".
Suốt 7 năm trời, ngoài hơn 470 lần lặn một mình (vào cuối tuần), ông Takamatsu mỗi tháng còn lặn cùng giới chức địa phương để tìm kiếm thi thể của khoảng 2.500 nạn nhân mất tích trên khắp khu vực.
Ông Yasuo Takamatsu trong bức ảnh chụp cuối tháng 2-2021. Ảnh: AP
Ông Takamatsu trong một lần lặn tìm vợ hôm 9-3-2014. Ảnh: AP
Theo ông, những "vết sẹo" của Onagawa phần lớn đã được chữa lành "nhưng vết thương lòng của người dân sẽ cần thêm thời gian". Ông nói sẽ tìm kiếm vợ "cho đến khi đôi chân không thể bước tiếp", bởi "trong tin nhắn cuối cùng gửi tôi, bà ấy hỏi tôi có ổn không và nói muốn về nhà. Tôi chắc rằng bà ấy vẫn muốn về nhà".
Cảnh sát tỉnh Iwate và Miyagi hôm 10-3 cũng tiến hành các chiến dịch tìm kiếm hàng ngàn người còn mất tích ven biển. "Với những gia đình chưa tìm được người thân, 10 năm đã qua và 10 năm sắp tới cũng chẳng khác gì nhau" - ông Chiharu Nakaya, người đứng đầu đồn cảnh sát TP Kamaishi thuộc Sở Cảnh sát Iwate, chia sẻ.
Tính đến nay, theo trang Japan Today, Nhật Bản đã chi hơn 30.000 tỉ yen (gần 276 tỉ USD) cho công cuộc tái thiết. Tuy nhiên, ngay cả Bộ trưởng Tái thiết Katsuei Hirasawa mới đây cũng thừa nhận mặc dù chính phủ đã và đang khôi phục cơ sở hạ tầng thần tốc, họ vẫn chưa đầu tư nhiều vào nỗ lực hỗ trợ người dân tái thiết đời sống, chẳng hạn cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho những người bị tổn thương tâm lý.
Cảnh sát tỉnh Iwate và Miyagi tìm kiếm thi thể nạn nhân ngày 10-3. Ảnh: Jiji
Ám ảnh thảm họa hạt nhân
Còn một thảm họa khác kéo dài nỗi đau của người dân Nhật Bản: Thảm họa hạt nhân Fukushima. Trận động đất - sóng thần ngày 11-3-2011 làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Hơn 160.000 người phải sơ tán do rò rỉ phóng xạ trong thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Cách nhà máy trên khoảng 10 km, lão nông Naoto Matsumura quyết kháng lệnh sơ tán của chính phủ 10 năm trước và đến nay vẫn bám trụ để bảo vệ không chỉ đất của mình mà còn cả gia súc do hàng xóm bỏ lại. Hầu hết thị trấn Tomioka thuộc tỉnh Fukushima của ông Matsumura đã mở cửa lại vào năm 2017 nhưng những ngôi nhà xung quanh nơi ông ở vẫn trống rỗng, khiến cả khu vực càng thêm tĩnh mịch khi đêm xuống.
Phải mất tới 6 năm lệnh sơ tán mới được dỡ bỏ nên nhiều người ra đi đã an cư ở nơi khác. Chưa tới 10% trong số 16.000 dân trước đây của Tomioka quay về. "Tôi lớn lên ở đây, nhưng giờ nơi đây chẳng còn giống nhà nữa" - ông Matsumura bộc bạch với hãng tin AP.
Lão nông Naoto Matsumura đứng trên đất của mình ở thị trấn Tomioka thuộc tỉnh Fukushima, nơi ông bám trụ 10 năm qua bất chấp lệnh sơ tán Ảnh: AP
Nhật Bản hôm 10-3 cho biết các nhà chức trách tỉnh Fukushima vẫn tiếp tục điều tra những tác động tiềm tàng của chất phóng xạ đối với sức khỏe người dân một ngày trước đó, báo cáo của Ủy ban Khoa học về ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử (UNSCEAR) thuộc Liên Hiệp Quốc cho rằng không có bằng chứng về mối liên hệ giữa chất thải phóng xạ rò rỉ từ 3 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi với sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh ung thư, cụ thể là ung thư tuyến giáp ở trẻ em trong khu vực bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp về hạt nhân Shaun Burnie thuộc tổ chức Greenpeace Germany cảnh báo mức phóng xạ ở nhiều nơi thuộc khu vực bị ảnh hưởng vẫn còn cao. Theo trang news.com.au, chất thải phóng xạ từ năm 2011 vẫn còn tại Fukushima Daiichi.
Mỗi ngày có khoảng 100 tấn nước ngầm thấm vào một trong những tầng hầm của lò phản ứng bị hỏng trong khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang chật vật với hơn 1,2 triệu tấn nước ô nhiễm vẫn còn trữ trong các bể chứa hoạt động gần hết công suất.
Ước tính các bể chứa sẽ quá tải vào năm tới, nhiều khả năng buộc chính phủ xả hơn 1 triệu tấn nước đã qua xử lý phóng xạ ra biển. Quyết định này vấp phải sự phản đối kịch liệt của các quan chức ngành ngư nghiệp khi việc tiêu thụ hải sản địa phương vẫn còn là vấn đề nan giải.
Các công nhân di chuyển gần các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima hôm 1-3 Ảnh: Reuters
Thu hẹp lễ tưởng niệm Theo tờ Japan Times, buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất - sóng thần xảy ra 10 năm trước diễn ra tại Nhà hát Quốc gia ở thủ đô Tokyo vào ngày 11-3. Nhật hoàng Naruhito dự kiến có bài phát biểu khi cùng Hoàng hậu Masako tham dự buổi lễ. Chánh Văn phòng Nội các Kato Katsunobu cho biết nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, sự kiện năm nay sẽ không có lễ dâng hoa. Lễ tưởng niệm được tổ chức mỗi năm tại Nhật Bản kể từ năm 2012. Cựu Thủ tướng Abe Shinzo vào năm ngoái đã có bài phát biểu và tổ chức lễ dâng hoa tại văn phòng sau khi lễ tưởng niệm bị hủy do dịch Covid-19. |