15/08/2022 05:52

Đạo luật đối phó lạm phát định hình di sản của ông Biden

Sau gần một năm thảo luận, Đạo luật Giảm Lạm phát trị giá 430 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden cuối tuần trước được Hạ viện Mỹ thông qua, sau khi được Thượng viện phê duyệt. Tổng thống Biden cho biết sẽ ký phê chuẩn vào tuần này và Nhà Trắng dự kiến tổ chức sự kiện vinh danh đạo luật vào ngày 6/9.

"Đạo luật Giảm Lạm phát khiêm tốn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu của ông Biden, nhưng nó vẫn hoàn thành một phần chính trong chương trình nghị sự của ông", Charles Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, Mỹ, nói với VnExpress.

Đạo luật Giảm Lạm phát có quy mô nhỏ hơn so với dự luật về khí hậu và chi tiêu xã hội Xây lại Tốt hơn (Build Back Better) mà đảng Dân chủ và ông Biden từng hy vọng được thông qua, nhưng đây vẫn được xem là một thắng lợi lớn, khi mang tới những khoản đầu tư khổng lồ cho các lĩnh vực quan trọng như y tế, khí hậu và thuế.

Đạo luật đối phó lạm phát định hình di sản của ông Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Somerset, Massachusetts, hôm 20/7. Ảnh: AFP.

Phó giáo sư Hankla cho hay đạo luật tập trung vào ba lĩnh vực chính. Một là chăm sóc sức khỏe, trong đó cho phép chương trình Medicare thương lượng giảm giá thuốc kê đơn và kéo dài thời gian trợ cấp theo Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng (ACA) thêm ba năm, tới năm 2025. Dự luật cũng sẽ giới hạn chi phí điều trị insulin cho người thụ hưởng Medicare ở mức 35 USD mỗi tháng, đồng thời yêu cầu các công ty dược phẩm cung cấp các khoản giảm giá cho Medicare nếu họ tăng giá thuốc nhanh hơn tốc độ lạm phát.

Lĩnh vực thứ hai trong Đạo luật Giảm Lạm phát tập trung vào vấn đề thuế, khi tạo ra thuế suất tối thiểu 15% đối với doanh nghiệp. Cụ thể, các công ty có thu nhập từ một tỷ USD trở lên sẽ phải chịu mức thuế mới là 15%, trong khi thuế với các cá nhân và hộ gia đình sẽ không bị tăng. Cổ phiếu được các tập đoàn mua lại cũng phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 1%.

Lĩnh vực thứ ba được đạo luật ưu tiên là đầu tư vào an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Đây là lĩnh vực chiếm phần lớn ngân sách của đạo luật, với khoảng 370 tỷ USD, nhằm giúp thúc đẩy các chương trình năng lượng, giúp Mỹ cắt giảm 40% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào cuối thập kỷ này.

"Khoản tài trợ này sẽ giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ và thúc đẩy nền kinh tế hướng tới nhiều nguồn năng lượng thay thế hơn", ông Hankla cho hay.

Dự luật được thông qua khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ. Đảng Dân chủ hy vọng đạo luật mới sẽ giúp họ giành lại lợi thế trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử, nơi cử tri sẽ quyết định cán cân quyền lực trong quốc hội Mỹ. Đảng Cộng hòa đang có lợi thế để giành lại thế đa số ở Hạ viện và cũng có thể nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện.

"Đạo luật Giảm Lạm phát là một chiến thắng vang dội cho các gia đình Mỹ", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói sau khi đạo luật được thông qua.

Tổng thống Biden cũng dự kiến có chuyến công du khắp đất nước để quảng bá về đạo luật cùng một số chiến thắng lập pháp khác vào thời điểm nhiều cử tri tỏ ra bất bình với ông và đảng Dân chủ vì lạm phát tăng vọt.

Khoảng một nửa số người Mỹ ủng hộ đạo luật, theo cuộc khảo sát được Reuters/Ipsos tiến hành trong hai ngày 3-4/8. Tuy nhiên, giới quan sát không lạc quan về triển vọng đạo luật sẽ giúp đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

"Trong nền chính trị Mỹ, rất khó để đảng của tổng thống đương nhiệm giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ", phó giáo sư Hankla nhận định. "Cử tri hầu như luôn có xu hướng chống lại tổng thống đương nhiệm và năm nay điều này có thể gia tăng khi người Mỹ phải đối mặt lạm phát cao".

Dù giành được thắng lợi lớn với Đạo luật Giảm Lạm phát, thành tựu lập pháp của ông Biden vẫn được cho là kém xa quy mô và tham vọng của chính sách kinh tế mới New Deal nổi tiếng của tổng thống Franklin D. Roosevelt hay Great Society của tổng thống Lyndon B. Johnson, theo giới quan sát Mỹ.

Các nhà phân tích thêm rằng đạo luật mới của ông Biden cũng không cho thấy khả năng đoàn kết lưỡng đảng, mà thậm chí còn phơi bày những bất đồng trong nội bộ đảng Dân chủ, khiến ông phải thu nhỏ quy mô các điều khoản so với mục tiêu ban đầu.

Đảng Cộng hòa cũng lập tức chĩa mũi dùi chỉ trích vào đạo luật vừa được quốc hội Mỹ thông qua. "Thật không tin được là phải nhắc lại điều này, nhưng tăng thuế trong thời kỳ suy thoái không phải là một ý tưởng hay", Jim Jordan, thành viên đảng Cộng hòa ở bang Ohio, viết trên Twitter.

Đạo luật đối phó lạm phát định hình di sản của ông Biden

Người dân Mỹ mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa tại thủ đô Washington ngày 12/4. Ảnh: AFP.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2021, ông Biden đã ký kế hoạch cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, gói phát triển cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD, đạo luật sản xuất chip 280 tỷ USD và đạo luật súng đạn nhằm ngăn quyền tiếp cận vũ khí của những người có nguy cơ cao.

Giới phân tích cho rằng cùng với Đạo luật Giảm Lạm phát, những thành tựu này có thể được xem là trọng tâm trong di sản của ông Biden với tư cách là Tổng thống thứ 46 của Mỹ.

"Dù mang yếu tố chính trị, Đạo luật Giảm Lạm phát với các khía cạnh về khí hậu, chính sách công nghiệp và chăm sóc sức khỏe vẫn là một thắng lợi lớn mang dấu ấn của chính quyền ông Biden", phó giáo sư Hankla nói.

 

Tags: Mỹ Joe Biden Dự luật Giảm lạm phát Chính trị xã hội thế giới Phân tích