05/04/2022 05:38

Chế độ chính sách nhà giáo: Không ảnh hưởng khi sáp nhập thành trường liên cấp

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đối với trường có nhiều cấp học (định mức giờ dạy, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp chức vụ…).

Chế độ chính sách nhà giáo: Không ảnh hưởng khi sáp nhập thành trường liên cấp

Ảnh minh họa/INT

Hướng dẫn cụ thể trong việc đánh giá Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Thông tư số 19/2020/TT-BGDĐT về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đối với trường có nhiều cấp học (định mức giờ dạy, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp chức vụ…), Bộ GD&ĐT cho biết:

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các địa phương đã thực hiện việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường lẻ vào điểm trường chính. Nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống trường liên cấp có quy mô lớn hơn, tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học trong nhà trường, nhất là ở miền núi và vùng khó khăn. Khi thực hiện sáp nhập thành hệ thống trường liên cấp, chế độ làm việc, chế độ chính sách nhà giáo cơ bản không ảnh hưởng (giáo viên cấp nào thực hiện chế độ chính sách theo cấp đó). Tuy nhiên, đối với một số môn đặc thù (giáo viên dạy cả 2 cấp) thì địa phương tính toán, vận dụng để thực hiện chế độ chính sách theo hướng có lợi cho giáo viên.

Về đề nghị hướng dẫn trong việc đánh giá Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Thông tư số 42/2010/TT-BGDĐT quy định về đối tượng áp dụng là “giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh”. Như vậy, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không nằm trong đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư số 42/20710 nêu trên. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu vấn đề này.

Về đề nghị hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Thông tư số 19/2020/TT-BGDĐT: Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn, trong đó có lưu ý trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (Công văn số 616/NGCBQLGD-PTNGCB ngày 18/6/2021). Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục nắm bắt, rà soát việc thực hiện Thông tư 19 để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu cần).

Về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, theo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, do đó, việc hướng dẫn quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do Bộ Nội vụ hướng dẫn.